Khởi động dự án chuyển đổi số, cải tạo và nâng cao chất lượng canh tác tái sinh tại Hợp tác xã Ea Tân, huyện Krông Năng
Với mục tiêu thúc đẩy nông nghiệp bền vững ở Đông Nam Á, RegenX và Simexco hợp tác triển khai khởi động dự án chuyển đổi số, cải tạo và nông nghiệp tái sinh tại Hợp tác xã Ea Tân, huyện Krông Năng từ ngày 8-9 tháng 4 năm 2024.
Theo đó, dự án sẽ triển khai tới khoảng 150 hộ nông dân của Hợp tác xã Ea Tân, huyện Krông Năng góp phần giải quyết những thách thức từ biến đổi khí hậu, cam kết thúc đẩy một tương lai bền vững thông qua nông nghiệp tái sinh – phương pháp nông nghiệp mới giúp tái tạo hệ sinh thái đất, tối ưu đa dạng sinh học đất và trữ lượng carbon dư thừa vào lòng đất.
Ông Nguyễn Tiến Dũng Giám đốc Phát triển Nông nghiệp Bền vững – Simexco DakLak cho hay “Chúng tôi luôn tìm kiếm một phương pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng đất, cắt giảm phân bón hoá học nhưng vẫn đảm bảo đầu ra. Với hướng nông nghiệp tái sinh mới, chương trình hợp tác cùng RegenX có thể tạo nên sự đổi mới trong cách canh tác của người dân, đồng thời góp phần tạo thêm nhiều giá trị cho nông dân và giảm lượng khí thải trong chuỗi cung ứng. Cách tiếp cận này giảm bớt sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và phân bón hóa học – chất chiếm hơn 80% dấu chân carbon tại vườn.”
Là đơn vị khởi động dự án, ông Bảo Nguyễn, CEO và nhà sáng lập RegenX cho biết “Chúng tôi hướng dẫn nông dân, giúp họ áp dụng các phương pháp ủ phân hữu cơ vi sinh nhằm giảm chi phí, tái tạo đất, tăng lợi nhuận và làm cầu nối người nông dân với nguồn tài chính xanh.
Dự án cam kết không chỉ cải thiện môi trường mà còn tối ưu hóa lợi ích cho nông dân, tăng năng suất, giảm chi phí để ứng phó và thích nghi với nền kinh tế mới, sự biến đổi khí hậu, và đảm bảo an ninh lương thực”.
Theo kế hoạch từ ngày 8-9/4/2024, RegenX cùng Simexco phát động chiến dịch “Giảm Chi Phí Canh Tác” Tại Hợp tác xã cà phê Ea Tân, thông qua việc sử dụng phân bón vi sinh tại thôn Thanh Cao xã Ea Tân, thôn Tân Hà , xã Ea Tóh Huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk
Người dân tham gia chương trình sẽ có cơ hội: Nghe chia sẻ về phương pháp ủ phân hữu cơ hiệu quả từ chuyên gia phân bón Henry (bằng tiếng Việt); Đăng ký thử nghiệm phương pháp ủ phân vị sinh hiệu quả, và nhận gói tài trợ miễn phí xét nghiệm vi sinh vật trong đất; Kích hoạt ứng dụng miễn phí để nhận hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị làm phân hữu cơ và vị sinh tại nhà; Nhận nhiều phần quà hấp dẫn và phụ cấp đi chuyển khi đến tham gia chương trình
Ngoài ra, các hộ nông dân có thể kích hoạt ứng dụng RegenX trên điện thoại, qua: Website: regenx.ag; Email: mkt@regenx.ag để số hoá nhật ký nông hộ một cách thông mình, theo dõi tiến trình từ phân bón hoá học sang phân bón hữu cơ và tham gia các chương trình tích điểm thưởng hàng tháng.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng phân bón vi sinh có thể giúp giảm thiểu đáng kể chi phí giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả dinh dưỡng: Phân bón vi sinh cung cấp vi sinh vật có lợi cho đất, giúp cây trồng hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả hơn, giảm nhu cầu về lượng phân bón hóa học cần sử dụng; Cải thiện sức khỏe đất giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh.
Theo lộ trình, sau khi tham gia huấn luyện về cách làm phân bón vi sinh với chuyên gia, từ tháng 4 đến tháng 6, đội ngũ RegenX sẽ theo dõi nông hộ, kiểm tra và hỗ trợ thực tế trong quá trình làm phân tại gia.
Từ tháng 6 đến tháng 10, nông hộ bắt đầu bỏ phân mới và RegenX sẽ đo sự hiệu quả bằng cách đánh giá vi sinh vật trong đất và sự thay đổi về khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng. Sau khi thu hoạch, RegenX sẽ kết hợp với đối tác chuyên môn để tổng kết dữ liệu từ hiệu quả kinh tế đến chất lượng đất và sự giảm thải CO2.
Qua dự án này, RegenX và Simexco kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình có thể nhân rộng cho các vùng nông nghiệp khác ở Đông Nam Á, đồng thời nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng nông dân chuyển đổi sang các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường.
Được biết, RegenX là công ty có trụ sở tại Singapore và Việt Nam, chuyên về canh tác bền vững nhằm mục đích giảm phát thải carbon tại Đông Nam Á bằng cách số hoá chuỗi cung ứng có khả năng hấp thụ CO2e cao để chuyển đổi nông nghiệp tái tạo và giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh dựa vào dữ liệu.