Cà phê tăng giá: Cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm
So với những niên vụ trước, năm nay giá cà phê có nhiều khởi sắc khiến nông dân có động lực để yên tâm gắn bó với loại cây này. Tuy nhiên, làm thế nào để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nông dân mới là mục tiêu cần hướng đến của ngành hàng cà phê.
Làm thế nào bán cà phê đắt hơn?
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá cà phê trong nước trung bình ở niên vụ 2021 – 2022 khoảng 43.500 đồng/kg, tăng 25% so với vụ trước và tăng 17% so với trung bình 5 năm trở lại đây. Đây là tín hiệu tích cực đối với nông dân trồng cà phê sau nhiều năm giá nằm ở mức thấp, đặc biệt khi giá cà phê khởi sắc vào thời điểm thu hoạch cà phê vụ mới.
Hiện tại, mức giá cà phê nhân trên 40 nghìn đồng/kg và đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, thời điểm này người nông dân trên địa bàn huyện Krông Năng nói riêng, toàn tỉnh nói chung đang rất phấn khởi. Song, giá cao cũng không khiến người dân vội vàng thu hoạch sớm khi cà phê đang xanh, mà đa phần bà con đã chú trọng đến việc thu hái cà phê bảo đảm tỷ lệ quả chín cao để thu lợi từ 15 – 20% sản lượng so với hái xanh cũng như được mua với giá tốt hơn. Đơn cử như hộ anh Tạ Duy Thanh (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) có gần 3 ha cà phê, dự kiến năm nay sản lượng ước đạt khoảng 5 – 6 tấn cà phê nhân. Những năm gần đây, gia đình anh liên kết với Hợp tác xã (HTX) Ea Tân (huyện Krông Năng) để sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Theo đó, vườn cây của gia đình anh sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, không sử dụng phân hóa học. Khi đến mùa thu hoạch thì cam kết thu hái quả chín đạt trên 95% và HTX thu mua quả chín với giá 12.000 đồng/kg quả tươi (cao hơn gần 4.000 đồng/kg so với mức giá bình thường) nên lợi nhuận cao hơn.
Anh Thanh cho biết: “Vụ mùa năm nay, cà phê có chiều hướng tăng giá nên nông dân chúng tôi rất vui mừng. Tuy năm nay giá các loại vật tư, nhân công đều tăng cao hơn so với mọi năm nhưng nhờ thay đổi phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ nên các thành viên của HTX ít bị tác động bởi giá thành vật tư đầu vào. Đồng thời, khi thu hoạch tỷ lệ quả chín đạt cao nên sản lượng, chất lượng cũng cao hơn và được mua với giá tốt hơn. Giờ chỉ mong giá cả duy trì ổn định trên 40.000 đồng/kg như hiện tại là người trồng cà phê có một mùa vui…”.
Tương tự, hộ ông Lê Văn Tâm (thôn Cao Thành, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, năm nay giá cà phê tăng cao hơn so với mọi năm là động lực để người trồng cà phê yên tâm “sống cùng” cây cà phê. Gia đình ông có 4,5 ha cà phê, từ năm 2018 bắt đầu chuyển đổi phương pháp canh tác để làm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Từ đó, gia đình ông xây dựng vườn cà phê sinh thái theo hướng hữu cơ và tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ; chỉ thu hái khi cây có tỷ lệ quả chín cao (trên 95%)… Nhờ tuân thủ các nguyên tắc trên mà vườn cà phê của gia đình cơ bản đã “cai” được các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nên dù giá vật tư đầu vào sản xuất tăng cao vẫn không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận. Không những thế, sản phẩm cà phê còn được doanh nghiệp thu mua với giá cao gần gấp đôi so với giá cà phê thông thường.
Trên thực tế, mức giá cà phê như hiện tại cũng chưa mang lại lợi nhuận cao cho nông dân vì giá thành sản xuất hiện khá cao, nhất là những hộ đang phụ thuộc quá nhiều vào phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, để cà phê bán được giá cao thì người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi cách thức canh tác và tổ chức sản xuất để “sống khỏe” với cây cà phê dù giá thị trường có lên – xuống như nhiều hộ đã và đang làm. Những thay đổi nhỏ từ nông dân sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng cà phê Đắk Lắk.
Chất lượng thay cho số lượng
Niên vụ cà phê 2021 – 2022, Đắk Lắk có trên 213.000 ha, tăng 3.381 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 199.904 ha, tăng 4.906 ha; tổng sản lượng đạt 526.793 tấn, tăng 17.894 tấn so với niên vụ trước. Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng ngành cà phê Đắk Lắk đã có sự chuyển dịch lớn cả về diện tích, năng suất và cách tổ chức sản xuất, đã từng bước gia tăng giá trị sản phẩm, phù hợp thị hiếu thị trường. Cà phê Đắk Lắk đang tìm được chỗ đứng ở phân khúc cao trên thị trường thế giới, với những sản phẩm cà phê khác biệt, cà phê đặc sản Robusta…
Điều này cũng được chứng minh khi các chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có chứng nhận quốc tế như 4C, Rain Forest, Fairtrade… được áp dụng rộng rãi ở các vùng trọng điểm cà phê của tỉnh. Đồng thời, có 39 tổ hợp tác và 53 HTX nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cà phê được thành lập. Trong đó, có khoảng 31 HTX cà phê có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp và 5 HTX có sản phẩm được chứng nhận OCOP. Các HTX sản xuất cà phê hiện nay hoạt động mang lại hiệu quả khá cao, phù hợp với điều kiện sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Lắk và là xu hướng phát triển tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế nhằm liên kết các hộ nông dân trồng cà phê và tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững có chứng nhận, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp… góp phần tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng và giá trị kinh tế cao trên thị trường.
Là đơn vị phát triển theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hiện nay HTX Ea Tân (huyện Krông Ana) đang liên kết với 156 thành viên chính thức và hơn 600 hộ thành viên liên kết để sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Theo ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc HTX Ea Tân, hiện nay sản lượng cà phê đặc sản của HTX khoảng 50 tấn, cà phê chất lượng cao hơn 200 tấn. Hiện tại, thị trường tiêu thụ chính của HTX là châu Âu và thị trường nội địa. “Để bảo đảm thu nhập, lợi nhuận cho người sản xuất và phát triển ngành hàng cà phê, điều quan trọng nhất là phải tìm cách giảm chi phí đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng cà phê. Bên cạnh đó, cần khai thác, phát triển các sản phẩm có giá cao hơn như cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao…”, ông Nguyễn Trí Thắng nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, để nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng cà phê của tỉnh, hiện nay cả người sản xuất và doanh nghiệp cà phê đã quan tâm đầu tư vốn để chăm sóc, trẻ hóa vườn cà phê già cỗi; đầu tư máy móc, thiết bị chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Quan điểm của tỉnh là không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch, tập trung chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; tiếp tục thực hiện Kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2021 – 2025 nhằm cải tạo dần những diện tích cà phê già cỗi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.