Xuất khẩu cà phê đặc sản sang châu Âu
Gần 20 tấn cà phê đặc sản trị giá khoảng 100.000 USD của Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk dự kiến sẽ cập bến thị trường Anh vào đầu tháng 9.
Với nhu cầu tiêu dùng cà phê chiếm đến 30% toàn cầu, châu Âu là thị trường cà phê “hấp dẫn” nhất thế giới. Ngoài cung cấp cà phê chất lượng cao, để mở rộng thêm kênh tiêu thị và tăng giá trị, một số doanh nghiệp đang nỗ lực xuất khẩu cà phê đặc sản sang thị trường này.
Gần 20 tấn cà phê đặc sản trị giá khoảng 100.000 USD của Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk dự kiến sẽ cập bến thị trường Anh vào đầu tháng 9 năm nay. Đây cũng là lô cà phê đặc sản đầu tiên của Việt Nam được đối tác châu Âu chấp nhận vì đã đảm bảo đúng các tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng cao hơn các chủng loại thông thường.
“Để đạt được đơn hàng lớn với khách hàng nước ngoài rất khó, phải qua rất nhiều năm. Qua từng năm chúng tôi thấy việc trao đổi với khách hàng rất quan trọng”, ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk cho biết.
Quả cà phê thu hoạch chuẩn bị đưa vào chế biến. Ảnh minh họa – TTXVN
Hiện nay các doanh nghiệp đã tăng chất lượng và thắt chặt các mối quan hệ dài hạn với đối tác nước ngoài nhằm phổ biến dòng sản phẩm này trên thị trường thế giới.
Ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết: “Tỷ lệ tiêu dùng cà phê đặc sản luôn gia tăng hàng năm 10%, trong khi cà phê thông thường gia tăng tiêu thụ khoảng 2%. Có một số thị trường đã sử dụng cà phê đặc sản Robusta trong tiêu dùng nên chúng ta sẽ có cơ hội phát triển cà phê đặc sản”.
Hiện Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam đang được triển khai tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Mục tiêu đến năm 2025, cà phê đặc sản đạt 5% tổng diện tích trồng cà phê và tăng lên 7% vào năm 2030.